Nghi thức Con dê gánh tội

Cựu Ước báo trước trong nghi lễ tạm gọi là Oan dương, theo đó Dương là con dê, oan là mang lấy oan nghiệt, tội vạ lên mình nó. Ngày 10 tháng 7, dân Do Thái cử hành đại Lễ Đền Tội một cách long trọng. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Sau khi vị tư tế chọn thăm dâng một con dê cho Azazel, người ta dẫn con dê còn sống tới. Vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê này, rồi xưng thú trên nó tất cả lỗi lầm của toàn dân hay còn gọi là động tác xưng mọi tội lỗi của cả dân sự. Ông này trút tất cả những tội lỗi đó lên mình con dê gánh tội hay oan dương.

Cảnh đuổi con dê gánh tội này ra sa mạc

Sau khi xưng thú tội cộng đồng xong, vị tư tế sẽ nhờ một người phục dịch dẫn con dê này thả sâu vào sa mạc, nơi đồng vắng, là nơi hoang vu để thả nó ra, cho nó trốn thoát. Người thả dê khi trở về phải làm những việc thanh tẩy để tránh sự uế tạp lây lan từ chính con dê đó. Anh chàng này phải giặt áo và tắm rửa một cách thật kỷ lưỡng trước khi anh ta trở về và tái hòa nhập với cộng đồng. Lê-vi Ký 16:22 chép: Vậy là, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Do Thái ra nơi hoang địa.

Về số phận con dê bị đẩy ra sa mạc, con dê này gánh mọi tội lỗi cộng đồng Do Thái mà đi lạc lõng trong sa mạc. Thức ăn của dê là cỏ tươi mà giữa một sa mạc khô cằn, không cỏ, không có gì để ăn lót dạ, không nước uống, nhưng đồng thời lại có thú dữ ăn thịt như sư tửchó sói quanh quẩn, thì số phận của con dê gánh tội coi như đã được định đoạt. Chỉ vì phải gánh tội cho cộng đồng mà nó giờ đây chính nó phải sống trong đói khát và sợ hãi, và cuối cùng nó sẽ chết trong đau đớn, có khi là kiệt sức vì đói khát, có khi bị phanh thây bởi một con sư tử hay một đàn sói dữ tợn.

Vẫn còn có sự tranh cãi quanh quẩn việc giải nghĩa chữ Azazel (A-xa-sên), có thể nói chỉ về chính con dê đực này, đó là con dê đực bị dắt ra ngoài thả đi và cũng có thể là tên nơi chốn mà con dê bị đem đến. Người ta gọi con dê đó là Oan dương, vì nó mang trên mình nó tất cả gánh tiền khiên, oan nghiệt của dân sự, rồi bị thả vào nơi sa mạc, thú dữ sẽ ăn thịt nó. Chữ oan này cũng còn có nghĩa là hàm oan có nghĩa rằng con dê này thực sự bị oan khuất vì xét về mặt thực chất, con dê này không hề phạm tội, người ta lấy tội của dân sự, đặt tay trút lên đầu nó, đổ tội và giá họa lên đầu nó.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng A-xa-sên (Azazel) có nghĩa là trốn thoát (scape, departure), và A-xa-sên có nghĩa là con dê được thoát khỏi chết vì nó sẽ không bị giết tươi ngay tại chỗ như con dê thứ nhất dâng lên cho Chúa mà nó sẽ bị đuổi vào sa mạc và vẫn có cơ hội sống sót, con dê thuộc về A-xa-sên không bị giết, nhưng để cho sống và bị đuổi vào trong đồng vắng. Điều này sau đó được cắt nghĩa bằng hình tượng Jesus chỉ bị giết một lần.